PhatTrien.net

http://phattrien.net


Chấm thi tốt nghiệp THPT: Khó đạt bằng giỏi vì môn Văn

Một số giáo viên chấm thi môn Văn nhận định, điểm Văn sẽ khiến rất nhiều thí sinh không được bằng loại giỏi, dù mặt bằng chung là chất lượng bài làm tốt.
Chấm thi tại trường THPT Việt - Đức năm 2014.    Ảnh: Như Ý
Chấm thi tại trường THPT Việt - Đức năm 2014. Ảnh: Như Ý

Bất ngờ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Về bài làm môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2014 của thí sinh tại hội đồng của mình, một giáo viên tham gia chấm thi tại một tỉnh phía Bắc nhận xét, các bài thi cho thấy thí sinh nắm được kỹ năng làm bài nghị luận xã hội.

Đặc biệt năm nay, giáo viên này nhấn mạnh, câu về làm văn là hơi khó với thí sinh vì bản thân kịch đã là một thể loại khó, đề thi lại ra trong một đoạn hội thoại cũng khó, nhưng nhìn chung, các em vẫn làm được. Nguồn tin này nói, đa số thí sinh cứ nghĩ rằng đề thi sẽ ra vào những tác phẩm văn học, chứ không vào tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Chính vì vậy, cô giáo chấm thi môn Văn nhận xét: Với đề thi này, đạt được điểm 5 là không khó nhưng điểm 8-9 là khó, và vì vậy, để đạt bằng khá rất nhiều thí sinh có thể, nhưng với khoảng 2.000 bài thi mới có 1 điểm 9 duy nhất, 1% điểm 8 thì tỷ lệ bài điểm cao chắc sẽ thấp hơn mọi năm.

Một giáo viên chấm thi môn Văn cho biết, trong những bài cô chấm, điểm 5-6 nhiều, điểm khá không nhiều, điểm 7-8 ít hơn so với mọi năm. 2/3 số giáo viên chấm thi được hỏi đều cho rằng, năm nay sẽ có nhiều thí sinh không được bằng giỏi do điểm thi môn Văn kéo lùi lại.

Hừng hực khí thế bảo vệ biển đảo

Một cô giáo chấm thi môn Văn đã đọc bài thi đạt 9 điểm kể: Mặc dù sự thay đổi về chủ trương thi cử mới xuất hiện trong vòng một tháng cuối cùng trước kỳ thi, nhưng giáo viên đã tập trung ôn luyện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh, nên nhiều em làm rất tốt câu hỏi đọc hiểu về vấn đề biển đảo.

Cô giáo này nhận xét, rất nhiều thí sinh hiểu, trình bày quan điểm từ một tác phẩm, làm bài đầy nhiệt huyết và có nhiều bài viết tốt, chứng tỏ giới trẻ đã không thờ ơ, có tinh thần trách nhiệm đối với vấn đề của đất nước, với chủ quyền biển đảo quê hương.

Thí sinh có bài văn được điểm 9, theo lời một giáo viên chấm, ngoài việc đạt 6,25/7 điểm cho câu làm văn, đã trình bày khá sâu sắc về quan điểm của em đối với tình yêu Tổ quốc: Em sẵn sàng khi đất nước gọi.

Người chấm Văn kể, học sinh này viết, vì còn là học sinh, đang ngồi trên ghế nhà trường, nhiệm vụ của em là thực hiện lời Bác Hồ dạy để làm cho đất nước Việt Nam sánh vai được các cường quốc năm châu nhưng cũng không được quên Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Vì vậy, mặc dù là nữ, nhưng khi Tổ quốc cần công sức của mình, em sẵn sàng lên đường.

Các giáo viên chấm thi môn Văn kể có nhiều thí sinh đã viết rằng, “sẵn sàng làm đơn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc”.

Nên theo hướng mở

Các giáo viên chấm thi đều dự báo: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không thể thấp nhưng cũng có nhiều thí sinh “trượt” bằng giỏi vì đề thi.

Tuy nhiên, một giáo viên Văn nhận xét, đổi mới cách ra đề thi môn Văn như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý, đặc biệt phần đọc hiểu để kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh.

Giáo viên này khẳng định, chủ trương kiểm tra năng lực đáng ra phải được thực hiện từ lâu và nên được phát huy trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ sắp tới.

Theo Hồ Thu

Tiền Phong

Nguồn tin: Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây